Ý nghĩa và cách dùng cụm từ “Quảng đại” không bị giới hạn bởi mục đích sử dụng thường dùng trong đời sống thường ngày khi ta nói chuyện với nhau. Chẳng hạn, những người có của, có tâm hay đi làm việc bác ái giúp đỡ người khác hoặc những nơi thiếu thốn, và ta hay gọi người đó biết sống quảng đại trên phương diện thiên về chia sẻ nhu cầu vật chất với anh chị em xung quanh.
Một cách nhìn rộng và mới mẻ hơn trong đời tu của một cộng đoàn, lòng quảng đại cũng cần được nhấn mạnh sau đức khiêm tốn và tha thứ.Sống quảng đại trong cách ứng xử với nhau giúp ta tập nhân đức với một ý nghĩa tích cực hơn, không dồn lại bởi sự hy sinh “thôi đành chịu vậy” ở ý nghĩa tiêu cực. Là người biết sống quảng đại, ấy cũng là “người anh hùng” vì biết vượt trên cách cư xử tự nhiên theo qui luật “ăn miếng, trả miếng”. Đặc biệt hơn, là người nữ tu Mân Côi, quảng đại còn luôn được bao trùm bởi Đức Ái hay luật Yêu thương như tâm điểm cho mọi quyết định, tư tưởng, và hành vi xoay quanh. Mặt khác, sống quảng đại cách tích cực sẽ giải thoát tâm lí so sánh hoặc cạnh tranh không lành mạnh, giúp ta sống vị tha và hướng tới lợi ích của người khác nhiều hơn.
Như vậy, nhắc tới sống quảng đại, ta không còn coi đó là điều tầm thường nhưng còn là cung cách sống ứng xử cao đẹp trong đời sống chung mà đôi khi bị quên lãng. Tại sao tinh thần quảng đại lại không kém phần quan trọng như đức yêu thương trong đời sống tu trì? Ta vẫn thường được nghe các chị đi tu ở những thế hệ trước đã trải qua rất nhiều thăng trầm của đời tu từng chia sẻ: “Đi tu không phải lo những gì lớn lao, vì đã có nhà Dòng lo lắng cho đời sống từ vật chất đến tinh thần, còn thành công hay thất bại trong việc mục vụ thì cũng phó thác hết lại cho Chúa, nên tương quan chị em trở nên quan trọng ảnh hưởng đến tinh thần tu.” Qủa thật, những kinh nghiệm của các chị đi trước chia sẻ chân thành nhưng thật thấm thía nếu ta áp dụng lượng giá vào đời tu của mình với tất cả những thuận lợi và khó khăn của đời sống dâng hiến.
Cộng đoàn tu dù nam hay nữ để giữ vững sự bình an, gắn bó, nâng đỡ nhau thì vẫn rất cần sự quảng đại. Cụ thể, quảng đại trong lời nói: không
khăng khăng chứng tỏ mình đúng trong mọi tình huống; quảng đại trong tư tưởng như lời Đức Cha Tổ Phụ dạy “ Hãy chữa lỗi cho mọi người bằng cách
tỏ tính tốt người ấy ra”; và quảng đại trong cách cư xử: không chấp nhất, giận hờn khi bị hiểu lầm...Tóm lại, nếu trong một cộng đoàn có nhiều thành viên sống quảng đại sẽ làm cho bầu khí chung thêm vui, bình an và là điểm tựa cho người tu sĩ khi gặp thử thách trong đời thánh hiến. Một chút quảng đại, một chút bao dung như những muối men cho đời để “mang lấy gánh nặng cho nhau” trong Đức Kitô.
Với cái nhìn thời nay, sống quảng đại là “sống anh hùng” dựa trên sự hiểu biết hoàn cảnh, sự phán đoán của lí trí, và con tim biết cảm thông với yếu đuối và những khác biệt của người khác. Hôm nay, mỗi chúng ta hãy trở thành những “anh hùng” của lòng quảng đại, “biết cho đi mà không tính toán... biết hiến thân mà không mong chờ phần thưởng.” (Thánh I-nha-xi-ô)
Pauline