Một ngày nọ đang lúc đi đường tôi chú ý đến một bảng “Stop - dừng lại” ở một ngã tư bên vệ đường. Trên tấm bảng có một số dây leo quấn chung quanh che mất một phần của tấm bảng, nhưng vẫn còn đọc được chữ stop. Một ý nghĩ chợt đến với tôi nếu không có ai cắt mấy dây leo kia, sẽ có một ngày kia các dây leo phủ kín tấm bảng và ai chưa từng lái xe qua khúc đường đó mà không đọc được chữ dừng lại thì họ cứ tiếp tục lái và lúc đó nếu có xe hai bên tiếp tục lái thì thật là nguy hiểm và tai nạn có thể sẽ xảy ra....Trong cuộc sống chúng ta cũng có nhiều lần cảm nghiệm “ Stop - dừng lại”. Trong năm có những ngày lễ nghỉ ngắn ta được nghỉ làm nếu đang còn đi làm, nghỉ học nếu ta còn đang cắp sách đến trường hoặc trong những kỳ nghỉ nhiều ngày như nghỉ Hè ta “dừng lại” không làm những công việc mà thường ngày ta làm nơi văn phòng, công sở hay nơi trường học... Lại có những khi ta buộc phải stop mọi hoạt động, công việc và phải nằm giường nhiều ngày. Dù muốn hay không những ngày nghỉ này cũng cần thiết để ta có giờ với người thân, với cộng đoàn để chia sẻ cuộc sống với nhau hoặc để nghỉ ngơi, để dưỡng bệnh để lấy lại sức khỏe cần thiết cho thể lý...Trong đời sống tâm linh sự “Stop - Dừng Lại” này cần thiết và có thể nói không thể thiếu. Thật vậy, trong mọi dòng đều có những khoản luật giúp cho người tu sĩ sống sung mãn ơn gọi nên trọn lành trong các mối liên hệ với Chúa, tha nhân và với chính mình Vì vậy, mà mỗi ngày trong thời khóa biểu của một tu sĩ sẽ có lúc dừng lại mọi hoạt động khác để chỉ chú tâm thực hiện những việc này: tham dự Thánh Lễ, cầu nguyện, suy niệm Lời Chúa, đọc Thánh Kinh....hoặc có những ngày tĩnh tâm mà người tu sĩ
dừng lại để chỉ chú tâm lắng nghe tiếng Chúa nói với mình. Nếu không có những lúc dừng lại này người tu sĩ có thể kiệt sức, lạc lối, không sống đúng với ơn gọi cao quý của mình, thay vì trao Chúa cho các linh hồn thì lại cho người khác những cái không hay của mình! Những lúc stop này giúp người tu sĩ mở lòng cho Ơn Chúa để có thể nhận rõ hơn con người của mình với những yếu đuối, giới hạn để biết trông cậy hơn vào sự trợ giúp của Chúa luôn cùng song hành với ta trong mọi niềm vui, nỗi buồn của cuộc sống. Dừng lại để biết được tình trạng linh hồn của mình lúc này đang ở đâu? Đang đi trên con đường Đức Kitô đã đi hay đang đi ngược lại những lời dạy của Ngài? Dừng Lại nhận ra tình yêu cao vời của Chúa cho ta, cho mọi người, giúp ta vui lòng đón nhận mọi đau khổ - thánh giá theo gương Chúa. “ Stop - Dừng Lại” để có thể có được sự thinh lặng của nội tâm mà lắng nghe được tiếng Chúa nói với ta, như linh mục Trần Tuấn diễn giải trong ca khúc “ Lặng”
Lặng....để nghe tiếng Chúa nói trong tâm hồn ta
Lặng ......để nghe Chúa nói, thánh giá ta mang vì ai Để
nhận bao đau thương hy sinh như Chúa trên thập hình
Lặng ......để nghe Chúa khóc, khóc khi ta vô tình quay đi
Nhiều khi vấn nghi ơn Chúa trên bao ngày qua
Lặng....để ta thấy Chúa, bước đi song song cùng ta
Lặng....để ta thấy Chúa đớn đau hơn ta khổ đau
Lặng....để ta thấy Chúa sớt chia bao vui buồn không tên
Ngài luôn ở bên, con có hay đâu ngài ơi....
Mong sao chúng ta biết trân quý và tận dụng những cơ hội ta được “Stop - Dừng Lại” để sinh ích lợi cho ta và cho tha nhân và đừng bao giờ để những dây leo là những gì cản trở ta bỏ lỡ hay để cho những lần stop trôi qua một cách phí phạm! Các Thánh đã tận dụng những lần “Stop - Dừng Lại” này để củng cố mối dây yêu thương hiệp nhất, xây dựng, và phát triển tốt quan hệ của mình với Chúa và với tha nhân. Các Ngài đã chuẩn bị kỹ càng hành trang cho cuộc dừng lại vĩnh viễn đó là giờ chết nên khi được Chúa gọi, các Ngài đã hân hoan cất tiếng: Khi Chúa thương gọi tôi về. Hồn tôi hân hoan như trong một giấc mơ, miệng tôi nức vui tiếng cười. Lưỡi tôi vang lời ca hát. Ngàn dân tung hô: tôi thật vinh phúc.
Sơ Thiên Ân