Những ngày mừng lễ Phục Sinh trong hoàn cảnh đặc biệt của COVID-19 đang dần dần trôi qua nhưng lại gợi lên trong tâm trí người môn đệ theo Thầy một hình ảnh tương quan của biến cố này - “buông bỏ hay giữ lại?” Trở lại tìm về ý nghĩa bình dị và thực hành của mùa Phục Sinh, mừng Chúa sống lại là chính Đức Giêsu đã dạy chúng ta một bài học về sự buông bỏ và giữ lại. Ngài can đảm, vâng phục để buông bỏ ý muốn riêng mình “Lạy Cha, nếu có thể được thì xin cho con khỏi uống chén này, nhưng đừng theo ý con mà xin vâng theo thánh ý Cha.” Trước khi đi qua Khổ Nạn để tiến tới Phục Sinh vinh hiển, Ngài cũng bỏ lại “ngôi mồ, khăn niệm” như những ràng buộc của trần gian để trở về với Thiên Chúa Cha. Tuy nhiên, ngay trong điều buông bỏ của Đức Giêsu đã ẩn chứa ý nghĩa tích cực của hành động giữ lại mà chỉ có mình Ngài mới thánh hóa được cả hai. Ngài giữ lại “Ta luôn ở với con mọi ngày.” Mary Magdalene và các môn đệ chỉ không thấy sự hiện diện trực tiếp, gần gũi với Ngài trong thời gian ngắn để rồi đón nhận bình an khi Ngài hiện ra, và quan trọng hơn hết các môn đệ đã cảm nhận Thầy vẫn ở trong lòng họ. Như vậy, thật đúng với ý nghĩa của mùa Phục Sinh, một sức sống mới không bao giờ tàn lụi khi tinh thần mỗi người tín hữu được củng cố thêm lại Đức Tin - Cậy - Mến của mình. Với ý tưởng này thì sự buông bỏ trên đường tập luyện nhân đức của chúng ta không chỉ nhìn với góc tiêu cực là những “thói hư, tật xấu” dưới nhiều dạng hình thức tùy theo bậc sống nhưng còn là những điều tích cực, tốt đẹp vì được nền trên một nhân đức mà mỗi người muốn vươn tới. Nếu không biết được điều then chốt của lý do buông bỏ dựa trên sợi dây tâm linh, hướng tới hạnh phúc nước Trời thì sẽ không biết nên bỏ những gì và giữ lại những gì. Có lẽ, thuật ngữ “giữ lại hay buông bỏ” chẳng lạ gì với người môn đệ Mân Côi theo Chúa. Đó là con đường thực hành mà mỗi người tu vẫn đang dựa vào mỗi ngày để nhận định đời sống đức tin, tình bác ái. Mỗi quyết định buông bỏ được dựa trên những điều mà ta muốn giữ: giữ lại bác ái, trung thành, tha thứ, quảng đại... Thật không dễ! Buông bỏ luôn gắn với hy sinh và khiêm nhường trong đó. Nhìn vào hình ảnh Mẹ Maria trên hành trình cùng Con đi qua Khổ Giá tới Phục Sinh, Mẹ đã hoàn toàn buông, phó thác, xin vâng theo ý Cha nên trọn. Chắc chắn, Mẹ cũng muốn giữ Chúa ở bên Mẹ tới ngày cuối cùng trên cõi dương gian, tuy nhiên Mẹ chọn Xin Vâng như thuở ban đầu. Tới đây, xin mượn lời cầu nguyện của thánh nhân Charles de Foucauld để khẳng định giá trị của buông bỏ hay giữ lại không bao giờ thiếu trong đời dâng hiến.
Prayer of Abandonment: Father, I abandon myself into your hands; do with me what you will. Whatever you may do, I thank you: I am ready for all, I accept all. Let only your will be done in me, and in all your creatures –I wish no more than this, O Lord. Into your hands I commend my soul: I offer it to you with all the love of my heart, for I love you, Lord, and so need to give myself, to surrender myself into your hands without reserve, and with boundless confidence, for you are my Father.
Pauline