“Mùa Chay nhằm chuẩn bị cử hành Lễ Vượt Qua. Phụng vụ mùa Chay giúp các dự tòng và các tín hữu, cử hành mầu nhiệm Vượt Qua. Các dự tòng được chuẩn bị qua những giai đoạn khác nhau của việc nhập đạo, còn các tín hữu thì qua việc tưởng niệm bí tích Thánh Tẩy và việc sám hối” (AC 27).

 

Hướng dẫn:

1. Về luật giữ chay và kiêng thịt:

Ngày giữ chay và kiêng thịt: Giáo Luật, Điều 1251, dạy “thứ Tư Lễ Tro và thứ Sáu Tuần Thánh, phải giữ chay và kiêng thịt”.

Tuổi giữ chay: Giáo Luật, Điều 1252, dạy “Mọi người từ tuổi thành niên cho đến khi bắt đầu 60 tuổi, thì phải giữ chay; và Giáo Luật, Điều 97 Khoản 1, quy định: “Ai đã được 18 tuổi tròn mới là thành niên”.

Tuổi kiêng thịt: Giáo Luật, Điều 1252 “buộc những người từ 14 tuổi tròn”.

 

2. Về việc làm phép tro và xức tro trong ngày thứ Tư lễ Tro:

Tro làm phép hôm nay được đốt từ những lá đã được làm phép trong Lễ Lá năm trước.

Trong Thánh lễ, sau bài Tin Mừng và bài giảng, thì làm phép tro và xức tro. Vì vậy bỏ phần Sám Hối ở phần mở đầu Thánh lễ.

Cũng có thể làm phép tro và xức tro, ngoài Thánh lễ. Trong trường hợp này, nếu tiện, thì cử hành Phụng Vụ Lời Chúa (Ca Nhập Lễ, Lời Nguyện, các Bài Đọc với các bài ca… như trong Thánh lễ); tiếp đến là bài giảng, rồi làm phép tro và xức tro. Nghi thức kết thúc bằng Lời Nguyện Tín Hữu.

Tại Việt Nam, Tòa Thánh cho phép chủ tế được dùng những người không có chức thánh giúp xức tro.

 

3. Về các yếu tố phụng vụ trong mùa Chay

Trong mùa Chay, không được bày hoa trên bàn thờ và chỉ được dùng nhạc cụ để đệm cho giọng hát mà thôi; trừ Chúa Nhật IV mùa Chay, Lễ trọng, Lễ kính có thể dùng màu hồng trong ngày Chúa Nhật IV mùa Chay” (CE 41, 252, 300).

 

4. Cử hành phụng vụ các ngày trong tuần của mùa Chay:

Cấm cử hành Thánh lễ ngoại lịch và Thánh lễ cầu hồn hàng ngày (IM 376).

Chỉ được cử hành Thánh lễ tuỳ nhu cầu, nếu có nhu cầu và lợi ích mục vụ quan trọng đòi hỏi (IM 376).

Nếu muốn kính nhớ một vị thánh ghi trong lịch ngày hôm đó, có thể cử hành như sau:

 a. Các Giờ Kinh Phụng Vụ:

Giờ Kinh Sách: Sau khi đọc bài các giáo phụ (lấy trong phần riêng về mùa với câu Xướng Đáp), đọc thêm tiểu sử vị thánh nhớ ngày hôm đó, và lời nguyện về vị thánh (để kết thúc).

Giờ Kinh Sáng và Kinh Chiều: Sau lời nguyện về mùa (bỏ câu kết thúc), có thể thêm điệp ca (riêng hay chung) và lời nguyện về vị thánh rồi mới kết thúc (xem Văn kiện trình bày và quy định CGKPV, số 238-239).

 b. Thánh lễ

Cử hành Thánh lễ theo ngày phụng vụ, nhưng có thể đọc lời nguyện nhập lễ (collecta) của lễ nhớ, nếu lễ nhớ được ghi trong lịch ngày đó (IM 355a).

Về việc cử hành Thánh lễ tùy nhu cầu cũng như Thánh lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời, xin xem Bảng chỉ dẫn (Mục VIII trong Những điều cần biết trước) ở đầu lịch (tr.11).

Trong Thánh lễ và Các Giờ kinh phụng vụ, bỏ không đọc “Al-lê-lui-a” mỗi khi gặp.

Trong các lễ trọng và lễ kính, và trong các cử hành riêng biệt, đọc Thánh Thi “Lạy Thiên Chúa – TE DEUM” và Kinh Vinh Danh.

Khi cử hành bí tích Hôn phối, trong Thánh lễ cũng như ngoài Thánh lễ, vẫn đọc lời cầu chúc hôn nhưng khuyên đôi tân hôn nên ý thức về đặc tính của mùa phụng vụ này (OCM 11).

Các ngày Chúa Nhật mùa Chay, cấm cử hành Thánh lễ nào khác, kể cả lễ an táng.

 

5. Chuẩn bị các dự tòng lãnh nhận bí tích Khai Tâm Kitô Giáo

Theo truyền thống xa xưa của Giáo Hội, mùa Chay là thời gian chuẩn bị các dự tòng gia nhập Kitô giáo qua những giai đoạn khác nhau. Linh mục sẽ cử hành các nghi thức khảo hạch dự tòng trong các Thánh lễ Chúa Nhật III, IV, V mùa Chay như chỉ định. Trừ những trường hợp khẩn cấp, Giáo Hội mong muốn các dự tòng sẽ được lãnh nhận các bí tích Khai Tâm (Rửa tội, Thêm sức, Thánh thể) trong đêm Vọng Phục Sinh.

 

Trích “Lịch công giáo TGP Hà Nội năm 2023”