Đức giám mục Đôminicô Maria Hồ Ngọc Cẩn
Nhà tu đức, danh nhân văn hóa
GS. Lê Đình Bảng
1. TÁC GIẢ VÀ TÁC PHẨM
Đời sống và hoạt động
Chính tên là Hồ Ngọc Ca, sinh ngày 13 tháng 12 năm 1876, tại Ba Châu, thuộc xóm đạo Ngọc Hồ, giáo phận Huế. Được học chữ Nho và tiếng Pháp ngay từ thuở nhỏ, Ca được nhận vào chủng viện năm 14 tuổi, sau đổi tên là Hồ Ngọc Cẩn. Thụ phong Linh Mục năm 1902, phục vụ giáo dân 22 năm, Cha được bổ nhiệm giáo sư tiểu chủng viện năm 1924. Sáng lập tu hội Thánh Tâm, Cha nổi tiếng thông thái và thánh thiện. Năm 1935 được Tòa Thánh trạch cử làm Giám Mục phó giáo phận Bùi Chu với quyền kế vị. Ngày 17 tháng 6 năm 1936, Đức Giám Mục Munãgorri Trung từ trần, Đức Cha Hồ Ngọc Cẩn chính thức làm Giám Mục Bùi Chu. Với sức mạnh tinh thần cao cả và sức làm việc dẻo dai, Ngài đã giúp cho miền duyên hải Bùi Chu, gồm các huyện Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Trực Ninh, Giao Thủy, Xuân Trường và Nam Trực, trở thành một miền tiến bộ về mọi phương diện.
Sự nghiệp văn hóa
Năm 1937, Ngài khai lập trường tiểu học Trung Linh tiến dần lên bậc trung học và nội trú. Từ năm 1938, cải tổ tiểu chủng viện theo chương trình mới, để đào tạo linh mục. Năm 1937 khai trương đại chủng viện từ Bùi Chu, qua Phú Nhai, rồi tiến tới đại chủng viện Quần Phương vào năm 1940, một chủng viện đầu tiên do giáo sĩ Việt Nam điều khiển. Đồng thời bắt đầu gửi sinh viên du học ngoại quốc. Hai sinh viên du học đầu tiên tại đại học Viện Propaganda Fide (Trường Truyền Giáo) tại Roma, là Nguyễn Văn Rinh và Trần Văn Minh. Thầy Rinh bị bạo bệnh qua đời tại Roma. Còn thầy Minh thành đạt vào năm 1945, đó là Linh Mục giáo sư Trần Văn Hiến Minh ngày nay.
Trong những năm dạy học tại chủng viện An Ninh, Ngài vừa dạy học, vừa trau dồi thêm học vấn. Ngài trở thành một cây viết lỗi lạc về 4 thứ tiếng: Việt văn, Hán văn, Pháp văn và La văn.
Văn nghiệp
Về Việt văn, Ngài viết một cuốn văn phạm tiếng Việt, nhan đề Sách mẹo tiếng Annam, xuất bản tại Huế năm 1923. Năm 1925, cuốn này được giải thưởng Văn Học của tòa Khâm Sứ Đông Dương trao tặng.
– Ấu học ngữ pháp. Hong kong, Imprimerie de la Mission, 1914
– Ngạn ngữ Kinh thư. Hongkong, Imprimerie de la Mission, 1915
– Toán học sơ pháp. Hongkong, Imprimerie de la Mission, 1916
– Sách cha mẹ dạy con. Hongkong, Imprimerie de la Mission, 1917
– Sách mẹo Phalangsa. Honhkong, Imprimerie de la Mission, 1918
– Sách mẹo Latinh. Hongkong, Imprimerie de la Mission, 1918
– Văn chương thi phú Annam. Hongkong, Imprimerie de la Mission, 1919
– Trưởng học toán pháp. Hongkong, Imprimerie de la Mission, 1919
– Pháp tự khúc ca. Quy Nhôn, Imprimerie de la Mission, 1922
– Hán tự qui giản. Hongkong, Imprimerie de la Mission, 1923
– Thánh giáo thuyết minh. Bùi Chu, Thánh Gia 1938; Saigon, Thánh Gia tái bản 1955
– Hán Việt thường đàm. Bùi Chu, nhà in Thánh Gia, 1939
– Giáo Hội chức sở tu thân. Quy Nhơn, Imprimerie de la Mission, 1924
Thơ văn sáng tác của Ngài đăng tải rải rác khắp các báo đạo đời, như Sacerdos, Vì Chúa, Đaminh bán nguyệt, Đông Dương tạp chí, Nam Phong tạp chí, Nam Kỳ tuần báo, Nam Kỳ địa phận, Thời Mới .v.v…
Phải công nhận rằng: Đức Giám Mục Hồ Ngọc Cẩn là một bậc thông minh tài trí, viết rất nhiều và rất mau, về mọi lãnh vực. Khi làm Giám Mục Bùi Chu, Ngài đã cao niên và bị bệnh suyễn, tuy vậy vẫn tiếp tục viết văn, đẩ lập ngôn, lập đức cho linh mục, chủng sinh, nữ tu và giáo dân.
2. NHẬN ĐỊNH TỔNG QUÁT
Tổng kết, đánh giá về con người ấy là công việc nghiêm túc và khoa học của lịch sử, của Giáo hội. Phần tôi, trong khuôn khổ bài viết ngẫu hứng này, chỉ đưa ra một cái nhìn chủ quan. Gọi Đức cha Hồ là một “nhà tu đức – nhà văn hóa”, quả không cường điệu chút nào. Chẳng thể tách rời hai mặt của tấm huy chương ra khỏi một con người. Cứ nghiệm mà xem. Đâu phải là ngẫu nhiên mà Ngài chọn cho mình khẩu hiêu “In Omni Patientia Et Doctrina” – “Nhẫn nhục và Giáo huấn”. Và đâu phải ngẫu nhiên mà huy hiệu của Ngài mang những sắc màu, hình tượng đậm đặc quê hương dân tộc đến thế. Thánh Tâm Chúa Giêsu – Tràng hạt Đức Mẹ Mân Côi – Sông Hương Núi Ngự – Bùi Chu. Một trời mới đất mới. Một hội nhập văn hóa. Một gieo trồng lời Chúa vào bờ xôi ruộng mật đầy khí thiêng sông núi của Huế đô, của Bùi Chu. Có thể thấy rất sớm sự nghiệp tu đức – giáo huấn – mục vụ lộ ra ngay từ khi con người ấy còn phơi phới sức xuân: Giáo sư tại Tiểu chủng viện An Ninh (Huế, 1910-1915); Khai sáng – Bề trên tiên khởi dòng Sư huynh Thánh Tâm (Huế, 1926). Sự nghiệp ấy càng trở nên phong phú, đa dạng và sung mãn hơn khi được cấy cày trồng tỉa tưới tắm trên mảnh đất trồng trũng đồng chiêm là giáo phận Bùi Chu, ngay sau khi Đức Cha Munagorri Trung từ trần (17-6-1936) và Ngài lên quyền kế vị. Tóm lại, từ 1935-1948, khoảng thời gian hơn một con giáp, đội mũ 3 tầng và cầm gậy vàng ở vai trò Giám mục, Ngài đã thực hiện được vô số những công trình lớn của một giáo phận đất rộng người đông (1.073km2 bao gồm 3 tỉnh Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên – 265.472 tín hữu trên tổng số dân là 1.796.534 người). Việc canh tân iáo phận, việc tu đức, việc giáo dục đức tin, việc đầu tư văn hóa đối với hàng ngũ giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân đã có nhiều tài liệu ghi nhận đầy dủ. Tôi xin miễn nhắc lại. Ở đây, chỉ xin kể đến những đầu sách, hàng trăm tác phẩm được biên soạn công phu – như là những cương lĩnh chủ đạo, những thủ bản hướng dẫn – nhằm phụng vụ cho những hoạt động thực tế trên. Có đọc những tác phẩm ấy, mới cảm nhận được hai tính cách – Tu đức và văn hóa – luôn hòa quyền, đan xen vào nhau. Lấy tu đức để thánh hóa chữ nghĩa văn chương và dùng văn chương nghệ thuật để rao giảng tin mừng, để chuyên chở đạo đức. Văn dĩ tải đạo và tu văn luyện đức.
Để tiện việc tìm đọc và nghiên cứu, tôi đề nghị cách phân loại và sắp xếp thư mục sau đây:
* Sách Tu đức:
– Thánh Giáo Thuyết Minh (Bùi Chu, 1938)
– Đấng làm thầy giảng dạy
– Tu sĩ hộ thân
– Tu thân minh cảnh (Qui Nhơn, 1931)
– Tu thân hướng đạo
– Tu sĩ thần lương
– Đường trọn lành
– Cách thức nguyện ngắm
– Bài giảng các ngày Chủ nhật, lễ trọng quanh năm
– Thư luân lưu mùa Chay cả (1938)
– Lề luật riêng tràng Kẻ Giảng
– Con muốn ở nhà Đức Chúa Trời
– Giáo lý khai vấn
– Bổn đồng ấu
– Nghĩa binh tác thành
– Lễ phép làm khi tôn Rất Thánh Trái Tim Đức Chúa Giêsu
– Điều lệ Hội cầu nguyện truyền giáo
– Điều lệ Đoàn nghĩa binh Thánh Thể
– Cáo giải linh đơn – phép Giải tội (1939)
Riêng dòng con Đức Mẹ Mân Côi mà Ngài là tổ phụ khai sáng, có thể lập ra một tủ sách từ những tác phẩm ban đầu như:
– Viện tu Trinh nữ (Qui Nhơn, 1921)
– Luật lệ chị em nhà Đức Chúa Trời
– Luật phép dòng chị em Con Cái Đức Mẹ Mân Côi
– Gương mẫu cho chị tập
– Tinh thần nhà tập
– Mãn nhà tập
– Sách gối đầu giường của các bề trên
– Bạn thân của nhà dòng
– Lễ nhạc mặc áo và khấn dòng con Đức Mẹ Mân Côi v.v…
* Sách giáo dục, văn hóa:
– Sách mẹo Latinh (Grammaire Latine)
– Sách mẹo Phalangsa (Grammaire Francaise, 192 trang, Hong Kong 1918)
– Sách mẹo tiếng Annam (NXB Trung Hòa, Hà Nội tái bản 1933) được giải thưởng văn học của Tòa Khâm Sứ Đông Dương 1925
– Ấu học Pháp ngữ (Premières études de la lang Francaise, HK 1916)
– Trưởng học toán Pháp (Arithmétique complète avec Figures, HK 1919)
– Sách cha mẹ dạy con (Devoirs des parents envers les enfants, HK 1917)
– Pháp tự khúc ca (NXB Qui Nhơn, 1923)
– Hán tự qui giản (Petite Grammaire Chinoise, HK 1923)
– Ngạn ngữ Kinh thư (HK 1915)
– Giáo hội chức sở tu thân (Qui Nhơn 1924)
– Hán tự liệt thường đàm (NXB Trường An, Huế 1942)
– Thường đàm nhựt dụng (HK 1927)
– Truy tầm chân đạo (Bùi Chu 1937)
– Triết nhân tri kỷ (Phú Nhai 1936)
– Tuồng bảy mối tội đầu (Qui Nhơn 1922)
– Lễ nhạc Hội thánh (Bùi Chu 1936)
– Văn chương thi phú An nam (Littérature et Prosodie Annamite, HK 1923 và 1933)
– Thận chung truy viễn (Bùi Chu 1937)
– Thư chung về thủy hỏa đạo tặc
* Thư luân lưu (700 trang viết tay).
* Viết báo: Ngoài ra, Ngài còn tham gia viết bài trên các báo:
– Nam Kỳ địa phận
– Vì Chúa
– Sacerdos Indonensis
– Đông Dương tạp chí
– Nam Phong tạp chí
– Lập nhà in Thánh Gia, Nhà sách Đa Minh
– Chủ biên tạp chí Đa Minh bán nguyệt san,
– Thời Mới…
3. LỜI KẾT
Khi qua đời (1948), gia tài của vị Giám mục chẳng có gì đáng giá, ngoại trừ cái dù đen, cái đánh máy chữ cũ và cái đồng hồ báo thức. Còn chuyện sợi dây chuyền vàng đã đi vào lịch sử Việt Nam trong tuần lễ vàng mừng độc lập 1945. Cây thánh giá, nghe đâu sao bao năm trôi nổi đã về lại nhà dòng Mân Côi. Chuyện này xin dành để các chị trong dòng kể, chính xác hơn, thánh thiện hơn. Đã là chuyện thì chả bao giờ hết. Chuyện về một nhà tu đức học, một bậc danh nhân văn hóa như Đức cha Hồ phải có một pho sách kích cỡ “bách khoa từ điển”. Ký ức, chữ nghĩa và hiểu biết của tôi chỉ có vậy, đến vậy. Cứ coi đây như một cảm tạ, tri ân góp phần vào tâm tình ngưỡng mộ của những ai vốn thiết tha – qua tấm gương Hồ Ngọc Cẩn – với sự nghiệp tu đức bằng còn đường tơ lụa là hội nhập văn hóa Việt Nam vậy.
Ngoại ô, tháng Đức Mẹ Mân Côi 1998
Gs. Lê Đình Bảng