TINH THẦN TÔNG ĐỒ NỮ TU MÂN CÔI

Chủ đề sống tháng 11 & 12 năm 2023 

Việc thi hành sứ mạng tông đồ đối với mỗi chị em Mân Côi là không thể thiếu trong hành trình sống đời thánh hiến, xét theo nghĩa vụ của một Kitô hữu và bắt nguồn từ Bí tích Rửa tội; đồng thời là một sự đáp trả cho sự cam kết hiến dâng đời mình để phụng sự Thiên Chúa và phục vụ Hội Thánh (x HLD 37.1). Thế nhưng, tinh thần để thực thi sứ mạng lại là một nền tảng khác cần được chị em phản tỉnh luôn. Ngày ngày ta vẫn hoạt động và chu toàn trách vụ; nhưng việc ta làm có hồn, có lửa, có yêu, có thần thì phải chăng kết quả vẫn hoàn toàn khác xa?! 

Dường như “cái là” vẫn luôn là cơ bản và phải đi trước những gì thuộc về “cái làm”. “Cái làm” bên ngoài có thể là không làm gì cả, như ngồi một chỗ trên xe lăn hay nằm lặng thinh trên giường bệnh lâu ngày… Thế nhưng, khi “cái làm” ẩn chứa “cái là” bên trong – là cậy trông vào Thần Khí, có tinh thần tích cực, chọn ý hướng ngay lành, khát vọng điều chính trực…, thì “cái làm” ấy vẫn có thể được thánh hóa và kết quả cũng đầy phong nhiêu! Đây có lẽ cũng là điều thánh nữ Têrêsa Hài đồng Giêsu đã từng trải nghiệm, và với linh đạo đơn sơ bé nhỏ, thánh nữ đã hoạt động truyền giáo không ngừng. Vào lúc cuối đời dù rất đau yếu và phải dưỡng bệnh ngày đêm, nhưng thánh nữ đã đưa biết bao linh hồn về với Đấng Tình Yêu. Và cho đến thời @ hay công nghệ 4.0 này, không thiếu những fan hâm mộ của thánh nữ đã biết đến hoặc trở về với Thiên Chúa khởi đi từ tâm hồn truyền giáo đầy nhiệt huyết của ngài. 

Với chủ đề tháng sống – Tinh thần Tông đồ của Chị em Mân Côi, chúng ta cùng dừng lại đôi chút để gẫm xem, tinh thần ấy cần tập trung vào những giá trị nào? 

1. Gắn bó với Giêsu. 

Việc bén rễ sâu trong tinh thần truyền giáo của Chúa Giêsu là trọng tâm đời sống sứ vụ của mỗi chị em Mân Côi. Noi gương Thầy Chí Thánh – Đấng hằng kết hợp mật thiết với Thiên Chúa Cha trong sứ mạng rao giảng Nước Trời, chị em năng tìm kiếm và ở lại với Đức Kitô bằng việc “vun trồng đời sống thiêng liêng vững chắc, gắn bó với Bí tích Thánh Thể, củng cố hồn tông đồ, và nhiệt thành với việc đem ơn cứu độ đến cho mọi người” (HLD 39. 1). 

Như Giêsu, chị em luôn cậy dựa vào Ơn Chúa Thánh Thần và để Thần Khí Ngài dìu dắt. Nhờ Thần Linh thúc đẩy và hướng dẫn, chị em mở lòng cho Thánh Ý Chúa chi phối con tim, suy nghĩ, động cơ, khát vọng, ý hướng, hoạch định… trong mọi lãnh vực tông đồ của mình. Đây cũng là điều ĐGH Phanxicô nhấn mạnh: “Đường lối của một môn đệ là một đường lối được nuôi dưỡng bằng ánh sáng và sức mạnh của Chúa Thánh Thần.”1  

Thật vậy, trong ân sủng của Đức Kitô và ơn ban của Chúa Thánh Thần, chị em có đủ tình yêu và niềm tin để sống tinh thần tông đồ của Đức Kitô: vâng phục Thánh Ý qua những bài sai, bình tâm trước những thất bại hoặc trái ý, tự do nội tại trong những thách đố, kiên trì trước những khó khăn hay nghịch cảnh, thanh thoát trong những chọn lựa và các mối tương quan, cậy trông khi đối diện khổ đau hoặc cám dỗ… Chị em ít nhiều đã trải nghiệm, rằng đời tông đồ càng có Giêsu là điểm tựa – đối tượng và đích điểm, thì tinh thần truyền giáo nơi chị em càng trở nên vui tươi, bình an, nhiệt huyết… Chỉ duy với sức Chúa, cùng lòng biết ơn và tình yêu sâu đậm với Đấng đã sai mình, ta có thể trung thành và bền bỉ mỗi ngày với sứ mạng: Sống mầu nhiệm cứu độ và mang ơn cứu độ đến cho mọi người, trong tinh thần Đức Ái trọn hảo! 

2. Học gương Mẹ Maria. 

Trong tràng chuỗi Mân Côi mỗi ngày, chị em cùng Mẹ Maria đi lại hành trình cuộc đời của Đức Kitô. Ta không chỉ suy ngắm các mầu nhiệm cứu độ của Ngài, nhưng còn học nơi Mẹ – Nữ Vương Các Thánh Tông Đồ, những đức tính cần thiết cho tinh thần truyền giáo. Nền tảng là thái độ khiêm hạ, Mẹ nhìn nhận bản thân là tôi tớ hèn mọn và được Thiên Chúa đoái thương tuyển chọn. Mẹ trọn vẹn tín thác và để Thiên Chúa hoàn toàn tự do sử dụng cho nhiệm cục cứu độ của Người. Ngay sau khi tiếp nhận sứ mạng làm Mẹ Đấng Cứu Thế – bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần, Mẹ vội vã lên đường để chia sẻ Tin Mừng. Cùng với Chúa và lòng mến sâu xa, Mẹ âm thầm phục vụ gia đình chị họ Elisabeth (x. HLD 37.3). 

Óc nhạy bén và quan sát, sự quan tâm và tế nhị là những nét đẹp khác nơi tinh thần tông đồ của Mẹ Maria. Tất cả đều bắt nguồn từ nhân đức “hằng suy đi gẫm lại” của Mẹ. Điều này nhất thiết nơi Mẹ đã thấm nhuần khả năng lắng nghe và phân định. Nhờ đó, Mẹ có thể tinh tế nhận ra điều gì đẹp ý Chúa, điều gì Mẹ phải thực hiện ngay, điều gì là cần thiết cho tha nhân và phần rỗi của họ… Đây cũng là những yếu tố của việc đồng hành cuộc sống – can thiệp và hỗ trợ kịp thời cho bất cứ ai đang cần đến chị em, như ý tưởng của ĐGH Phanxicô: “Không ai có thể đi một mình. Ta luôn cần có người đồng hành với ta” (Ibid., 43). Câu chuyện tiệc cưới tại Cana cho chị em thấy rõ những đặc nét này của Mẹ; đó cũng là chất liệu để ta tiếp tục chiêm ngắm và noi theo gương Mẹ, đặc biệt luôn cưu mang Chúa trong lòng và đem Chúa đến cho những tâm hồn chị em đang chung sống, phục vụ. 

3. Trung thành với Đặc sủng. 

Đó chính là sự trung thành với ý hướng, đặc sủng và giáo huấn của Đấng Sáng lập Hội Dòng. Lời Đức Cha Tổ phụ đã minh định rằng: “Ở nhà dòng cốt nhất là để mở Nước Chúa, làm chị dòng cốt nhất để cứu linh hồn người ta, giúp việc Hội Thánh, làm cho Chúa được vinh danh” (I, 326). Thật vậy, việc làm sáng danh Chúa là mục đích trọng tâm trong các việc lớn nhỏ của mỗi nhà tông đồ Mân Côi. “Trong mọi việc mình làm, thì hằng phải có ý làm vì lòng mến Chúa, cho sáng danh Chúa” (I, 98). 

Giàu đức thương yêu là điểm nhấn khác Đức Cha Tổ phụ muốn lưu ý. Ngài dặn dò chị em hãy yêu mến thật nhiều, bởi “lòng thương yêu là sức mạnh, nó sẽ làm cho ‘chị em’ mang nổi trọng trách” (I, 577). Cách riêng “đối với kẻ khó khăn, người tật bệnh, chị em sẽ năng gặp dịp thực thi đức thương yêu” (I, 98). Song song đó, Đức Cha Tổ phụ nhắc nhớ chị em: “Đức khiêm nhường là nhân đức rất cần cho một chị dòng chuyên việc giáo dục và việc bác ái” (I, 156). Chị em đồng thời thực thi sứ vụ với những ý hướng ngay lành. Theo ngài, “Ý trong sạch ở tại sự quên chính mình, là sự từ bỏ hết mọi tư lợi, và chỉ để ý đến một mình Chúa, đến sự đẹp lòng, sự yêu mến và sự sáng danh Người” (I, 435). Vì thế, trong mỗi công tác bổn phận chị em thực hiện, chị em “phải liệu sao cho nên việc lành, việc tốt, làm cho sáng danh Chúa. Chớ làm vì ý hèn xác thịt, như cầu lợi ham danh” (I, 360). 

Và trên hành trình mục vụ tông đồ, chị em chắc chắn phải đồng hành cuộc sống với mọi đối tượng hoặc liên kết với mọi thành phần trong các mối tương quan liên vị. Chị em vì vậy rất cần sự phản tỉnh về việc sống gương sáng và làm chứng cho Chúa ngay trong cộng đoàn và môi trường sứ vụ của mình. Chị em ý thức việc “sống chứng tá đời thánh hiến cách vui tươi theo Linh đạo Dòng…; có lòng hăng hái sẵn sàng, chẳng nề chịu khó” trong khi thi hành các bổn phận hay trách vụ Dòng trao” (HLD 40.1). Với Đức Cha Tổ phụ, “một việc làm gương thì có thế lực lạ thường. Muốn được như vậy, ‘chị em’ phải nên một người khiêm từ đức hạnh, kiên tâm, nhẫn nhục, ôn hòa, bác ái” (II, 125-126). 

4. Lắng nghe và nhận định. 

Thực hiện lời dạy bảo của Đức Giêsu dành cho các Tông đồ xưa (x. Mc 6, 31), chị em rất cần quay trở về với chính lòng mình sau một ngày hay một thời gian hoạt động, để lắng nghe đủ và nhận định sâu hơn – về tâm cảm, thái độ, cung cách ứng xử, cách thức làm việc, các mối tương quan… trong khi thi hành sứ vụ. Qua việc trung thực đọc lại những cảm xúc và tình cảm của mình, ta khám phá lại “cái tôi thật” của người tông đồ nơi bản thân; đồng thời xin Ơn Chúa giúp điều chỉnh những gì con tim mình đang dính bén, lệ thuộc, bận tâm quá đáng, lệch lạc; hoặc thiếu vắng Chúa, dửng dưng với nhu cầu mục vụ của cộng đoàn, xa lạ với những nghịch cảnh của anh chị em nghèo khổ; hoặc bản thân thiếu gương sáng qua những lời nói, phản ứng, hành vi… 

Giữa một thế giới chạy theo tính thế tục, việc sống chậm lại để lắng nghe thật cần thiết, hầu ta có thể nhận ra tầm quan trọng của việc làm mới lại tinh thần truyền giáo hoặc nhóm lên lại ngọn lửa tông đồ nhiệt huyết cho bản thân – dù đang ở trạm hậu phương hay tiền tuyến… Ta dừng lại để kịp lắng nghe và mở lòng ra đón nhận “sự mới mẻ của Thiên Chúa” hay “luồng gió của Thần Khí” vẫn từng ngày âm thầm hoạt động… Ta trở về để biết mình yếu kém và cần bù đắp những lỗ hổng kiến thức hay niềm tin yêu, cùng nỗ lực tự luyện những nhân đức cho sứ vụ hiện tại: “nhẫn nại, hy sinh, khiêm tốn, nhân từ, độ lượng và khả năng đối thoại…; tự học hỏi, có tinh thần cầu tiến để làm giàu kiến thức và cải tiến phương pháp làm việc cho hữu hiệu” (HLD 40.2). 

Thay cho lời kết 

Như thân xác cần hơi thở và sức sống để hiện hữu và hoạt động, sứ mạng ta đảm nhận do Dòng trao phó rất cần có sinh khí và tình yêu để tồn tại lâu bền. Tinh thần càng tích cực và mạnh mẽ, thân xác càng linh hoạt và vui tươi. Mục vụ tông đồ của chị em muốn lưu giữ lửa nhiệt huyết, hăng say và kiên vững, chắc hẳn phải có Thần Khí; nhưng nhất thiết phải có sự chủ động cộng tác của mỗi bản thân với Ân sủng Chúa ban theo trách vụ. Ta vì thế luôn tận dụng tối đa Ơn Chúa, thời gian cùng sức lực để nuôi dưỡng hồn tông đồ cho mình, cùng lúc lan tỏa lửa mến ấy cho những ai đang bước đi với mình trên cuộc hành trình loan báo Tin Mừng cứu độ. 

Thực tế, trong một thế giới đề cao những giá trị vật chất, hưởng thụ và thuyết tương đối…, thì việc trung thành với sứ mạng và kiên trì dấn thân cho Nước Trời thật mong manh với những tâm hồn lội ngược dòng đã từng cam kết bước theo Đức Kitô. Nền tảng của sự thiếu kiên trung ấy – phải chăng vì từ sâu thẳm trong cái hang con tim của người tu sĩ, đã vắng bóng và có nguy cơ xa dần Đấng đã yêu thương và tuyển chọn sai mình ra đi?! Như ý tưởng của ĐTC Phanxicô nhận định: “Khi ‘cái vĩnh cửu’ yếu, thì người ta có một ngàn lý do để từ bỏ con đường đã chọn.”2 

Vậy nên, ước mong sâu xa bên trong mọi việc lớn nhỏ chị em Mân Côi làm, đều được liên kết với chính Đấng Vĩnh Cửu, với những giá trị Tin Mừng, với Linh đạo và Đặc sủng Dòng theo ý hướng của Đức cha Tổ phụ kính yêu. Nhờ đó, tinh thần truyền giáo của chị em được lưu giữ, nuôi dưỡng, hun đúc, canh tân và không trệch hướng. Chị em đồng thời có Chúa và mang tình yêu cứu độ của Ngài đến cho mọi tâm hồn, đang khi cố gắng cùng với Mẹ Maria để trung thành với những trách vụ Hội Dòng tin tưởng trao phó cho chị em. 

Gợi ý thực hành 

 Thường giá trị Tin Mừng hoặc tinh thần tông đồ nào thúc bách tim tôi mang Đức Kitô đến cho chị em và người khác? 

 Linh đạo của tôi để làm vinh danh Chúa, hiển danh Mẹ Maria và mưu ích cho các tâm hồn? 

M. Emmanuel Thanh Đào 

1 Ơn trung thành và niềm vui bền đỗ, tr. 20. Chuyển ngữ: Đaminh Nguyễn Đức Thông (2023).

2 Ơn trung thành và niềm vui bền đỗ, tr. 6. Chuyển ngữ: Đaminh Nguyễn Đức Thông (2023).